Đi “dạt” từ năm 14 tuổi, hành nghề “hai ngón” quanh khu vực Bờ Hồ, tham gia vào đường dây buôn thuốc lắc, làm gái bán dâm…. là lý lịch của một nữ học viên mới 16 tuổi ở Trung tâm Giáo dục lao động số 2, Ba Vì, Hà Nội (Trung tâm số 2). Ở trung tâm này đang có khoảng chục học viên nữ dưới tuổi vị thành niên phải phục hồi nhân phẩm do chúng bị Công an bắt và quét vét trong các ổ mại dâm. Đứa nào đứa nấy đều có gương mặt non choẹt, nhận thức cũng “non choẹt” những đã sớm “dạt nhà” và tỏ ra phá cách, chơi ngông.
“Dạt nhà”… thành gái bán hoa
Ngụy Thị Minh (*) ngồi đợi tôi ở chiếc bàn đá giữa cái nắng hiếm hoi sau những ngày dài rét đậm, nó đưa mắt ngắm nghía khoảng vườn nhỏ trước mặt rồi thở dài thườn thượt. Ai bảo nó 16 tuổi khi sở hữu một chiều cao lý tưởng. Gương mặt nó không xinh, nhưng son phấn vào cũng tàm tạm. Cán bộ giới thiệu với tôi, nó là một trong số các học viên trẻ nhất ở đây phải phục hồi nhân phẩm. Chao ôi, nghe mà chua xót, mà đắng lòng. Nhưng nó lại không nhận ra điều ấy. “Cô thích gì cứ hỏi” – nó tưng tửng bảo. Ngồi chưa ấm chỗ mà tôi đã giật mình “đôm đốp” khi nghe nó kể vanh vách quá khứ với đầy vẻ tự hào. Gương mặt nó thản nhiên, không biểu lộ cảm xúc với người đối diện…
Bỏ nhà đi “dạt” từ năm 14 tuổi, có vẻ khó chịu khi tôi hỏi nguyên nhân, nó nhát gừng trả lời: “Thích thì đi”. Đâu phải đợi đến bây giờ, từ khi lên 11 nó đã bỏ nhà lên Hà Nội, quanh quẩn ở Bến xe Giáp Bát nhưng bị anh trai tìm được lôi về. Làm sao một đứa bé mới ngần ấy tuổi lại phá cách và ngang ngược đến nhường ấy? Quê nó ở Nam Định, từ ngày còn trong bụng mẹ, bố nó đã bị bắt và lĩnh án 12 năm tù vì tội buôn bán ma túy và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép. Túng quẫn, khiến mẹ nó phải bỏ quê bươn chải lên Hà Nội bán hàng rong nuôi hai anh em nó ăn học. Nó như cây cỏ dại, cứ thế lớn lên trong mảnh đất hoang hóa. Lúc thì mẹ gửi nó cho bà ngoại, lúc thì gửi cho dì nuôi. Có lẽ vì những lý do đó mà nó hư ngay từ khi học cấp hai. Vào cái tuổi “dở dở ương ương” không có người thân bên cạnh bảo ban, chia sẻ khiến nó càng trở nên bất cần. Mấy lần nó bỏ học, mẹ phải tất tả về quê xin cô giáo cho nó đi học lại. Năm 12 tuổi, bố nó mãn hạn tù trở về. Nó mừng lắm vì từ ngày có mặt trên cõi đời nó chưa một lần được gặp bố. Thế nhưng chẳng hiểu sao một ngày kia bố nó xách ba lô bỏ đi biệt xứ. Nó chỉ nghe mẹ kể lại rằng, bố mẹ nó không hợp và họ chia tay. Mẹ nó lại mải miết mưu sinh, bỏ mặc nó ở nhà với sự nổi loạn đang âm ỉ…
Nhìn điệu bộ, giọng nói đó, tôi không dám tin nó mới 16 tuổi. Không ngang tàng sao được khi đang học lớp 8 nó bỏ giữa chừng và làm một cuộc đổi đời bằng cách trốn nhà đi Hà Nội. Nó đập trộm con lợn đất gom được 3 triệu đồng và đi… Nó mải miết chìm sâu trong tội lỗi đến mức mẹ và anh trai tìm suốt mấy tháng trời mà không thấy. Chỉ đến khi bị bắt được 1 tháng, nó mới gọi điện về nhà. Mẹ nó nước mắt ngắn dài, không dám trách móc vì biết tính cách nó, chỉ khuyên con cố gắng ngoan ngoãn để sớm trở về. “Gặp mẹ có vui không?” – tôi hỏi. “Cũng vui. Suốt mấy năm mải chơi chẳng có khi nào nhớ đến mẹ cả”. Câu nói của nó khiến tôi thấy đắng lòng. Dường như với nó, mẹ có hay không tồn tại cũng vậy. Chẳng thế mà suốt hai năm bỏ nhà ra đi, nó chẳng nghĩ đến mẹ, ráo hoảnh trước sự lo lắng tìm kiếm của mẹ. Trái tim nó giống như là đá. Chẳng thế mà 14 tuổi nó đã biết thuê trọ ở bãi Phúc Tân để gia đình không tìm thấy. Nó lang thang tìm việc nhưng được một thời gian lại bỏ. Sở thích của nó là “cày” nét suốt ngày đêm. Số tiền mang theo, chẳng mấy chốc hết sạch. Trở thành “tứ cố vô thân” và khi gặp bạn nét nó nhập bọn ngay. Hằng ngày, nó chỉ việc “cầy” nét, tối về chỗ trọ của chúng ngủ. “Nuôi” nó một thời gian, nhóm bạn bắt đầu đưa nó đi “dạt” cùng. Nhóm này có 7 đứa, toàn là trẻ bỏ nhà lang thang đi “dạt”. Ban ngày chúng đi móc túi ở bến xe buýt, tối hành nghề ở quanh Bờ Hồ, “nhảy” tàu ở Ga Hà Nội (móc túi). Chúng huấn luyện nó trở thành dân “hai ngón”. Nhưng nó run tay không làm được. Chúng bắt nó đứng cảnh giới để chúng đi “nhảy xe” (trộm xe máy) và móc túi. Nó được phát một bộ khóa đa năng, nếu có xe máy nào để hớ hênh là trộm. Khi nào kiếm được nhiều, chúng rủ nhau vào Tây Nguyên để lấy ma túy tổng hợp về bán. Có lần, chúng móc túi của một khách Tây ở Bờ Hồ được mấy nghìn đô la, thế là cả bọn chia từng nhóm đi lấy thuốc. “Thuốc lắc trong đó có 10 ngàn đồng một viên, mang về bán ở Hà Nội được 150 nghìn đồng. Lãi nhiều nên bọn nó ham lắm. Nhưng vừa đi được lần thứ hai thì trong nhóm có người bị bắt nên tan nhóm” – nó hồn nhiên kể.
Nó gần như… chết đói bởi không có tiền. Và như một lẽ tự nhiên, nó đã không khước từ được sự cám dỗ. Nó đi làm gái bán dâm khi mới 15 tuổi. “Vân, cô bạn cùng nhóm trước từng làm gái rủ, em đã chặc lưỡi” – nó khoe. Khách gọi thì nó đi, khách quen thì nó hẹn đến nhà trọ, nếu có “đại gia” rủ đi chơi vài ngày nó cũng nhận lời… Thượng vàng hạ cám nó đều… chiều tất. Tiền nó kiếm được khá rủng rỉnh, có ngày lên tới vài triệu. Nó đem ném hết vào quần áo, son phấn và… thuốc lắc. Nó “chơi” ma túy đá, thuốc lắc nghiền đến nỗi ngày nào không “chơi” thì không chịu nổi. Chẳng bar nào ở Hà Nội không nhẵn mặt nó, thậm chí khi có tiền, nó và cô bạn còn thuê nhà nghỉ để… lắc. Xong việc, chúng thuê taxi đi… xả. Đêm thì đi khách, ngày “cày” nét, lắc và ngủ. Rồi cũng đến một ngày, đang quay cuồng lắc điên loạn ở nhà nghỉ, nó bị Công an ập vào bắt giữ.
Nỗi đau của gia đình
Ở trung tâm số 2 hiện có nhiều trẻ vị thành niên đang phải phục hồi nhân phẩm như Ngụy Thị Minh. Nhắc đến những học viên “nhí” này, các cán bộ ở đây đều dành cho chúng hai từ: “ái ngại”. Đưa tôi đi thăm xưởng thêu, chị Nguyễn Thị Thìn, Đội trưởng Đội 1 thở dài: “Nhiều đứa vào đây còn khóc tu tu như trẻ con, có đứa nhớ nhà, nhớ mẹ thẫn thờ không ăn, không ngủ. Tết đến thì khóc nằng nặc đòi về”. Ở tuổi 15, 16 chúng vẫn chỉ là trẻ con. Giờ này mà ở nhà, có lẽ chúng đang được bố mẹ chăm bẵm. Thế nhưng, thật đau xót khi ở cái tuổi đó, chúng đã sớm sa ngã và trở thành gái mại dâm, đem thân để mua vui cho thiên hạ.
Ngồi khuất trong góc xưởng, đôi bàn tay thoăn thoắt những mũi kim lên xuống của học viên Hà Thị Hương (*) khiến tôi có cảm giác cô bé đang cố làm việc để quên đi quá khứ. Hương có nước da trắng hồng, gương mặt lồ lộ trẻ con, được đánh giá là học viên “nhí” ngoan nhất ở đây. Có lẽ do va vấp với đời quá sớm nên Hương cũng như Minh đều khá phổng phao. Năm nay Hương vừa bước sang tuổi 17, thế mà hai năm trước nó đã trở thành gái mại dâm. Tết vừa rồi nhớ nhà quá nó chỉ khóc tu tu. Cán bộ phải gọi điện về gia đình, chị gái và mẹ nó lên thăm thì nó mới đỡ. Nó kể với tôi, rất may là bị bắt, nếu không thì cuộc đời nó không biết sẽ còn trượt dài đến đâu. Trái ngược với Ngụy Thị Minh, gia đình nó tuy không giàu có nhưng cũng cơ bản ở tỉnh Phú Thọ. Nó là con út được chiều chuộng nên đâm… hư. Nó bỏ học sớm, đàn đúm chơi với đám bạn xấu và bày đặt trò yêu đương. Bị mẹ mắng, nó tức bỏ nhà đi. Xuống Hà Nội nó “dạt” vào quán nét và cũng được một gã đàn ông nuôi. Khi không có tiền, được người quen gạ gẫm đi bán dâm, nó cũng làm. Một lần đang bán dâm cho khách thì nó bị Công an bắt quả tang.
Vài năm trở lại đây, tình trạng trẻ vị thành niên nghiện ma túy, làm gái mại dâm phải vào phục hồi nhân phẩm ở Trung tâm số 2 gia tăng. Đại đa số chúng là trẻ hư, đua đòi, “dạt” nhà rồi sa ngã. Hơn 10 năm quản lý, giáo dục học viên ở Trung tâm số 2, chị Thìn đúc kết: “Hầu hết trẻ vị thành niên phải đưa vào đây đều có gia đình không hạnh phúc như bố mẹ ly hôn, đi tù hoặc buông lỏng quản lý, không quan tâm con cái. Do thiếu giáo dục, thiếu sự quan tâm nên chúng sớm “thoát” khỏi gia đình và sa ngã vào tệ nạn”. Ở đây còn có học viên nhí 16 tuổi quê ở tận Hậu Giang, “dạt” nhà ra Hà Nội làm gái bán dâm. Nhìn chúng đang tuổi ăn tuổi ngủ mà đã phải đi giáo dục nhân phẩm, có lẽ lòng ai cũng như xát muối. Nhưng nhiều đứa vào đây chúng vẫn chưa biết sợ. Vẫn tỏ bản tính bất cần, buông thả như khi còn ở ngoài. “Với đứa khác thì chỉ khuyên nhủ, giáo dục một hai lần là nghe. Nhưng có đứa phải mất tới vài tháng. Chẳng hạn như Ngụy Thị Minh, mới vào nó ương bướng, bất cần lắm. Phải mất rất nhiều thời gian khuyên nhủ, giáo dục nó mới thay đổi đấy” – chị Thìn cho biết.
Trẻ “dạt” nhà rồi sa ngã… là những câu chuyện đau lòng trong xã hội hiện đại. Nó không chỉ còn bó buộc trong gia đình mà còn là vấn đề đáng lo ngại của xã hội. Ở cái tuổi con nít, chúng chưa lường hết được hậu quả khủng khiếp mà chúng phải đối mặt với tương lai. Nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội với chúng là rất lớn, thậm chí có đứa còn có HIV. Vậy, gia đình là tế bào đầu tiên để hình thành nên nhân cách và giáo dục con cái tránh xa khỏi tệ nạn, cám dỗ và sa ngã.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi